NGÔI TRƯỜNG XANH: HỘI TỤ CÁC GIẢI PHÁP KỸ THUẬT CÔNG NGHỆ XÂY DỰNG MỚI, THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG

 

 

Vào trung tuần tháng 11/2017, Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị (CĐXDCTĐT) dự kiến khởi công xây dựng công trình xanh tại khuôn viên nhà trường (Yên Thường, Gia lâm, Hà Nội). Đây là công trình xanh thứ 2 được đầu tư xây dựng tại ngôi trường vốn được biết đến là một ngôi trường sinh thái, luôn được bao phủ bởi màu xanh của cây cối và có mặt nước rộng lớn.

 

Phối cảnh công trình xanh sẽ được đầu tư xây dựng tại Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị

 

Công trình sắp khởi công này nằm trong khuôn khổ Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh tại Việt Nam (thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của Chính phủ).

Theo quyết định phê duyệt dự án của Bộ Xây dựng (số 275/QĐ-BXD ngày 30/3/2016), trong thời gian từ 2016 - 2020, dự án sẽ đầu tư xây dựng công trình có quy mô 5 tầng, với diện tích xây dựng khoảng 816m², tổng diện tích sàn khoảng 4.300m².

Công trình có chức năng là nhà làm việc và là hình mẫu về giải pháp công trình xanh, nơi diễn ra các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh ở Việt Nam. Công trình cũng là nơi các nhà quản lý, tư vấn thiết kế, chủ đầu tư và những người liên quan có thể đến tham quan học hỏi, tham vấn trong quá trình đầu tư xây dựng công trình xanh sẽ phải đạt được các tiêu chí xanh ở mức độ cao.

Công trình hướng tới các mục tiêu như: Tối ưu hóa địa điểm xây dựng; Giảm tối đa tiêu thụ năng lượng; Bền vững trong sử dụng nước; Sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường; Bảo đảm chất lượng môi trường bên trong nhà; Tối ưu hóa quá trình thi công và vận hành công trình.

Cụ thể, công trình được xây dựng trong khuôn viên Trường CĐXDCTĐT làm sao cho tác động mà công trình gây ra cho môi trường địa điểm ở mức độ nhỏ nhất, không gây ảnh hưởng tiêu cực lên các khối nhà hiện tại, như cản trở gió, cản trở tầm nhìn, hiệu ứng lóa… Hơn thế, công trình còn bổ sung thêm cho môi trường sinh thái của nhà trường những không gian xanh.

Thiết kế công trình được kết hợp giữa những giải pháp thiết kế thụ động và chủ động, trên nguyên tắc khai thác và tận dụng những lợi thế, hạn chế tối đa những bất lợi của điều kiện khí hậu và môi trường, thay đổi theo thời gian trong ngày và theo mùa trong năm. Công trình cũng sẽ sử dụng công nghệ mới, hướng tới giảm thiểu tiêu hao năng lượng, ứng dụng năng lượng tái tạo.

Nước sạch trong công trình sẽ được khai thác và sử dụng một cách bền vững và tiết kiệm. Nước mưa được thu gom và dự trữ để sử dụng cho nhu cầu tưới cây và rửa xả. Nước xám được xử lý để tái sử dụng trong nhà vệ sinh và tưới cây. Còn nước đen được xử lý theo quy trình tự nhiên trước khi thải ra môi trường.

Công trình ưu tiên sử dụng những vật liệu có năng lượng hàm chứa thấp, nguồn gốc địa phương, không phát tán chất độc hại, những vật liệu được dán nhãn xanh và có thể sử dụng một phần làm vật liệu tái chế.

Công trình đảm bảo chất lượng môi trường bên trong tòa nhà ở mức độ tiện ích cao nhất, thông qua việc kiểm soát các chỉ tiêu chất lượng không khí nhiệt độ, độ ẩm, âm thanh, chiếu sáng tự nhiên và nhân tạo. Không khí tươi sẽ được cung cấp vào các không gian bên trong sau khi được làm sạch và làm mát/sưởi ấm một cách tự nhiên. Cây xanh sẽ được đưa vào nội thất để hút khí CO2 và tạo ra khí O2 góp phần gia tăng chất lượng không khí.

Trong quá trình thi công và vận hành, công trình hướng tới việc không gây ô nhiễm môi trường, hạn chế tối đa việc phát sinh rác thải. Các giải pháp quản lý công trình tiên tiến được áp dụng để tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, đồng thời tiết giảm chi phí bảo dưỡng.

Hiệu trưởng Trường CĐXDCTĐT Bùi Hồng Huế cho biết: Để thực hiện các nội dung nói trên, một số giải pháp kiến trúc - công nghệ và công nghệ xây dựng xanh sẽ được ứng dụng vào công trình. Theo đó, về giải pháp kiến trúc, công trình sẽ sử dụng vật liệu gạch xây không nung bê tông khí trưng áp AAC (Aerated Autoclaved Concrete); Mái công trình tầng 5 và mặt đứng chính trồng cây xanh; Lớp vỏ công trình hoàn thiện sử dụng các tấm chắn nắng và kính; Giải pháp thiết kế kiến trúc tối ưu hóa chiếu sáng, thông gió tự nhiên và kết hợp với phương án thiết kế kiến trúc.

Về giải pháp công nghệ, công trình sử dụng hệ thống điều khiển tòa nhà thông minh BMS (Building management system) được kết nối và kiểm soát bằng các cảm biến về chất lượng không khí (độ ẩm, nhiệt độ…); sử dụng các loại đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, xử lý nước thải để tái sử dụng. Đặc biệt, công trình sử dụng đồng thời tấm pin năng lượng mặt trời, tấm thu nhiệt, năng lượng gió và địa nhiệt…

Cũng theo Hiệu trưởng Bùi Hồng Huế, hiện nay dự án đang trong giai đoạn triển khai thiết kế bản vẽ thi công, khoan khảo sát địa chất thủy văn. Công nghệ địa nhiệt được áp dụng tại Việt Nam lần đầu tiên nên có phần khó khăn trong việc tính toán cũng như phân tích hiệu quả của hệ thống địa nhiệt trong công trình.

Ngoài ra, theo ký kết biên bản ghi nhớ tham gia dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng ở Việt Nam (dự án EECB) do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ (hợp phần về trình diễn các giải pháp kiến trúc, vật liệu và công nghệ tiết kiệm năng lượng trong ngành xây dựng), công trình cũng được điều chỉnh thiết kế vỏ bao che tòa nhà nhằm thỏa mãn hệ số truyền nhiệt…

Trước đó, từ năm 2011 nhà trường đã được CHLB Đức tài trợ thành lập Trung tâm đào tạo nghề xây dựng Việt - Đức và triển khai dự án đào tạo nghề xây dựng thân thiện với môi trường. Trong khuôn khổ dự án, Đức hỗ trợ nhà trường xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo nghề xây dựng sử dụng VLXD thân thiện môi trường; hỗ trợ đào tạo cho một số giáo viên dạy nghề tại Đức và Việt Nam; hỗ trợ xây dựng ngôi nhà mẫu sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, có trang bị hệ thống năng lượng mặt trời, năng lượng gió… Ngôi nhà mẫu – “ngôi nhà xanh Đức” hiện đã trở thành mô hình nghiên cứu, đào tạo trực quan của nhà trường.

Với những dự án đã và đang triển khai, Trường CĐXDCTĐT thực sự trở thành một “địa chỉ xanh”, một trung tâm nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh tại Việt Nam; thực hành phát triển loại hình công trình xanh, công trình thông minh. Đây là loại hình công trình được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam trong thời gian tới, nhằm góp phần vào sự phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và ứng phó với sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

 

Trích nguồn từ báo điện tử Bộ xây dựng: http://www.baoxaydung.com.vn

Ngày đăng: 21/08/2017
Thông tin liên quan
Khai mạc kỳ thi Tay nghề Quốc gia lần thứ IX năm 2016 tại Hội đồng thi số 3
Gặp mặt chúc mừng các thí sinh và chuyên gia đạt thành tích cao tại kỳ thi Tay nghề Quốc gia lần thứ IX năm 2016
Hội thảo giới thiệu hệ thống năng lượng hiệu quả ứng dụng tại nhà mẫu
Công ty HINODE Nhật Bản thăm và làm việc tại trường
Chia tay đồng chí Vũ Minh Giang trưởng khoa Đào tạo nghề về nghỉ hưu trước tuổi theo nghị định 108
Lễ trao quyết định bộ nhiệm
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa CUWC với Công ty TNHH Quản lý Xây dựng VINCOM7
Khai giảng "Khóa đào tạo thí điểm cho cán bộ quản lý ngành thoát nước lần thứ nhất"
Khai giảng lớp Kỹ thuật lắp đặt ống công nghệ - Khóa 2 thuộc dự án hỗ trợ dạy nghề tại Hà Nội cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn
Hiệu quả hoạt động của lớp "Kỹ thuật lắp đặt ống công nghệ" - Khóa 1 thuộc dự án hỗ trợ dạy nghề tại Hà Nội cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn
TRƯỜNG CAO ĐẲNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH ĐÔ THỊ - CDT0128
Địa chỉ: Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội
Điện thoại: Phòng Tổ chức - Hành chính (024).3652.0944 ; Phòng Đào tạo (024).3.8780401
Tư vấn tuyển sinh: (024).3.877.0034
Fax: (024).3.827.1305
Copyright 2016 © cuwc.edu.vn
Lên đầu trang
Xuống cuối trang