CAO ĐẲNG QUẢN TRỊ NHÀ HÀNG VÀ DỊCH VỤ ĂN UỐNG, QUẢN TRỊ KHÁCH SẠN

QUY ĐỊNH

KHỐI LƯỢNG KIẾN THỨC TỐI THIỂU, YÊU CẦU VỀ NĂNG LỰC
MÀ NGƯỜI HỌC ĐẠT ĐƯỢC SAU KHI TỐT NGHIỆP

TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP, TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG

 

(Kèm theo Quyết định số 503/QĐ-CDT ngày 27 tháng 10 năm 2021
của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị)

 

NGÀNH, NGHỀ: QUẢN TRỊ NHÀ HÀNG VÀ DỊCH VỤ ĂN UỐNG

 

TRÌNH ĐỘ: CAO ĐẲNG (Mã số: 6810205)

 

1. Giới thiệu chung về ngành/nghề

Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống trình độ cao đẳng là ngành, nghề tổ chức, điều hành, quản lý hoạt động kinh doanh ăn uống; thường xuyên giao tiếp, chăm sóc và phục vụ khách hàng đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Các công việc chính là phục vụ nhà hàng, pha chế đồ uống, giám sát nhà hàng, quản lý quầy bar, quản lý nhà hàng, quản lý bộ phận ăn uống và công việc khác có liên quan tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đáp ứng yêu cầu bậc 5 trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Người lao động có thể làm việc tại các nhà hàng, quán bar thuộc các khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch khác hoặc các nhà hàng, đơn vị kinh doanh ăn uống độc lập như căn-tin, khu vực ăn uống tại sân bay, siêu thị …. Điều kiện làm việc của nghề thường xuyên tiếp xúc với khách hàng đòi hỏi người làm nghề dịch vụ phải trân trọng khách hàng, cẩn thận, chính xác, thái độ trung thực và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Đối với công việc cấp độ quản lý đòi hỏi người làm nghề ngoài việc nắm chắc kiến thức, kỹ năng về dịch vụ ăn uống còn phải rèn khả năng giao tiếp khéo léo, quản lý, điều hành và giám sát toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh ăn uống; quản lý chất lượng dịch vụ ăn uống; quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý nguyên, nhiên, vật liệu; quản lý thiết bị dụng cụ; quản lý nhân sự và đào tạo nhân viên mới; duy trì và phát triển quan hệ khách hàng; quản lý hiệu quả kinh doanh (lợi nhuận); tuân thủ quy định phòng chống cháy nổ và an toàn lao động; học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.

Để hành nghề người lao động làm phải đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe, có ngoại hình phù hợp, đủ kiến thức chuyên môn, có kỹ năng giao tiếp ứng xử trong quá trình phục vụ, rèn luyện, nâng cao trình độ ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh và các ngoại ngữ khác phù hợp nhu cầu khách hàng tại địa phương, có đạo đức nghề nghiệp, có khả năng tổ chức, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ trong phạm vi của nghề Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống.

Khối lượng kiến thức tối thiểu: 2.000 giờ tương đương 75 tín chỉ.

2. Kiến thức

- Mô tả được quy trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra và đánh giá kết quả công việc tại các vị trí giám sát và quản lý;

- Giải thích được cách sử dụng những trang thiết bị, dụng cụ chủ yếu của nghề;

- Giải thích được các kênh công cụ trong xúc tiến, quảng bá và tiếp thị cho bộ phận ăn uống;

- Giải thích được lý do phải tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn để nhận diện các nguy cơ và biện pháp phòng ngừa;

- Kết hợp được các kiến thức chuyên môn về lĩnh vực ăn uống và phục vụ khách hàng;

- Phân tích được cơ cấu tổ chức nhân sự, chức năng, nhiệm vụ của các vị trí việc làm trong lĩnh vực ăn uống;

- Phân tích được các quy trình nghiệp vụ tại những vị trí công việc: phục vụ nhà hàng, pha chế và phục vụ đồ uống, giám sát nhà hàng, quản lý quầy bar, quản lý nhà hàng và quản lý bộ phận ăn uống;

- Phân tích được các nguyên tắc bảo đảm an ninh, an toàn;

- Phân tích được cấu trúc thực đơn món ăn và đồ uống để lên kế hoạch và xây dựng thực đơn cho bộ phận ăn uống;

- Phân tích được các quy trình quản lý chất lượng dịch vụ ăn uống;

- Vận dụng được các quy trình quản lý nguyên, nhiên, vật liệu;

- Phân tích được hiệu quả kinh doanh (lợi nhuận);

- Trình bày được những kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật, quốc phòng an ninh, giáo dục thể chất theo quy định.

3. Kỹ năng

- Sử dụng thành thạo trang thiết bị, dụng cụ nhà hàng đảm bảo đúng quy trình và tuân thủ các quy tắc an toàn;

- Xây dựng đơn ăn uống cho các loại hình ăn uống khác nhau;

- Áp dụng và duy trì các nguyên tắc về vệ sinh, an toàn và an ninh;

- Phục vụ khách ăn uống theo thực đơn tự chọn (buffet), theo thực đơn chọn món (à la carte) và theo thực đơn đặt trước (set menu);

- Tổ chức và phục vụ tiệc (banquet), phục vụ teabreak, phục vụ hội nghị, hội thảo và phục vụ các hình thức ăn uống khác như ăn uống tại buồng (room service), tổ chức phục vụ ngoài trời (catering)…;

- Pha chế và phục vụ các loại thức uống không cồn và có cồn;

- Tổ chức và phục vụ tiệc và hội nghị;

- Tổ chức kinh doanh ăn uống có trách nhiệm;

- Duy trì và phát triển các mối quan hệ khách hàng;

- Xây dựng được thực đơn ăn uống cho các loại hình ăn uống khác nhau;

- Phân tích được kết quả hoạt động kinh doanh của các bộ phận ăn uống;

- Phát hiện được các nguyên nhân, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao kết quả hiệu quả kinh doanh;

- Xây dựng được các báo cáo, hợp đồng thông dụng của nhà hàng như báo cáo bán hàng, hợp đồng tiệc, mua sắm hàng hóa,…;

- Thiết lập và vận hành được các kế hoạch nhân sự; kế hoạch tài chính; kế hoạch mua sắm trang thiết bị, dụng cụ và hàng hóa; kế hoạch hoạt động kinh doanh nhà hàng và quán bar; kế hoạch quảng bá và tiếp thị cho bộ phận ăn uống;

- Hướng dẫn đào tạo trực tiếp kỹ năng nghề nhà hàng cho nhân viên;

- Giải quyết được các phàn nàn của khách hàng, các yêu cầu và tình huống cơ bản trong quá trình phục vụ khách;

- Giám sát, kiểm tra, đánh giá kết quả công việc đảm bảo đúng quy trình và tiêu chuẩn tại các bộ phận của bộ phận ăn uống như: hiệu quả làm việc của nhân viên; mua sắm hàng hóa và vận hành kho hàng;

- Sử dụng được công nghệ thông tin cơ bản theo quy định; ứng dụng công nghệ thông tin trong một số công việc chuyên môn của ngành, nghề;

- Sử dụng được ngoại ngữ cơ bản, đạt bậc 2/6 trong Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam; ứng dụng được ngoại ngữ vào một số công việc chuyên môn của ngành, nghề.

4. Mức độ tự chủ và chịu trách nhiệm

- Chấp hành nghiêm túc nội quy, quy định của nơi làm việc;

- Tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn và vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Cập nhật được kiến thức, thực hiện sáng tạo trong công việc;

- Hợp tác làm việc theo nhóm và thể hiện năng lực giải quyết công việc độc lập trong điều kiện làm việc thay đổi;

- Chia sẻ và có trách nhiệm trong thực hiện công việc được giao;

- Hướng dẫn tối thiểu, giám sát cấp dưới thực hiện nhiệm vụ xác định;

- Đánh giá được chất lượng sản phẩm sau khi hoàn thành kết quả thực hiện của các thành viên trong nhóm.

- Học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.

5. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp

Sau khi tốt nghiệp người học có năng lực đáp ứng các yêu cầu tại các vị trí việc làm của ngành, nghề bao gồm:

- Phục vụ nhà hàng;

- Pha chế đồ uống;

- Giám sát nhà hàng;

- Quản lý quầy bar;

- Quản lý nhà hàng;

- Quản lý bộ phận ăn uống.

6. Khả năng học tập, nâng cao trình độ

- Khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp ngành, nghề Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống trình độ cao đẳng có thể tiếp tục phát triển ở các trình độ cao hơn;

- Người học sau tốt nghiệp có năng lực tự học, tự cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ trong phạm vi ngành, nghề để nâng cao trình độ hoặc học liên thông lên trình độ cao hơn trong cùng ngành, nghề hoặc trong nhóm ngành nghề hoặc trong cùng lĩnh vực đào tạo.

QUY ĐỊNH

KHỐI LƯỢNG KIẾN THỨC TỐI THIỂU, YÊU CẦU VỀ NĂNG LỰC
MÀ NGƯỜI HỌC ĐẠT ĐƯỢC SAU KHI TỐT NGHIỆP

TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP, TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG

 

(Kèm theo Quyết định số 503/QĐ-CDT ngày 27 tháng 10 năm 2021
của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị)

 

NGÀNH, NGHỀ: QUẢN TRỊ KHÁCH SẠN

 

A - TRÌNH ĐỘ: CAO ĐẲNG (Mã số: 6810201)

 

1. Giới thiệu chung về ngành, nghề

Quản trị khách sạn trình độ cao đẳng là ngành, nghề quản lý trực tiếp, hàng ngày các bộ phận trực tiếp và gián tiếp phục vụ khách du lịch trong khách sạn như: Buồng, lễ tân, nhà hàng, chế biến món ăn, kế toán, kinh doanh và tiếp thị, nhân sự, an ninh, kỹ thuật..., đáp ứng yêu cầu bậc 5 trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Các công việc của ngành, nghề chủ yếu được thực hiện tại các bộ phận trong khách sạn hoặc các cơ sở kinh doanh lưu trú nên môi trường và điều kiện làm việc thuận lợi, đảm bảo an toàn - vệ sinh và sức khỏe. Cường độ làm việc không cao nhưng chịu áp lực lớn về thời gian phục vụ và yêu cầu đảm bảo sự hài lòng đa dạng của khách du lịch.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, cần phải đảm bảo các điều kiện làm việc thiết yếu như: kiến trúc nhà cửa và quy hoạch mặt bằng khách sạn hợp lý, các loại thiết bị, dụng cụ phù hợp với tiêu chuẩn của từng công việc; các phần mềm quản trị; hệ thống thông tin liên lạc tốt; và có các quy định nội bộ về tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ và quản lý.

Để hành nghề, người lao động phải có sức khỏe tốt, có ngoại hình phù hợp, đạo đức nghề nghiệp tốt, có đủ kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề đáp ứng với vị trí công việc. Ngoài ra, cần phải thường xuyên học tập để nâng cao khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, mở rộng kiến thức xã hội; rèn luyện tính cẩn thận, chi tiết, rõ ràng; xây dựng ý thức nghề và sự say mê nghề.

Khối lượng kiến thức tối thiểu: 1800 giờ (tương đương 65 tín chỉ).

2. Kiến thức

- Xác định được các kiến thức cơ bản về chính trị, pháp luật và văn hóa xã hội phù hợp với chuyên ngành như: Luật du lịch, Luật bảo vệ môi trường, Pháp luật trong kinh doanh, Luật kinh tế...;

- Trình bày được những hiểu biết khái quát về ngành du lịch, tổng quan về du lịch và khách sạn nhà hàng;

- Mô tả được vị trí, vai trò của lĩnh vực khách sạn - nhà hàng trong ngành du lịch và đặc trưng của hoạt động và tác động của khách sạn - nhà hàng về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường;

- Trình bày được cơ cấu tổ chức, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận trong khách sạn; mối quan hệ giữa các bộ phận trong khách sạn và đề xuất được các biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khách sạn;

- Trình bày được nguyên lý, quy trình quản trị nói chung, quản trị quá trình điều hành khách sạn, quản trị tài chính, quản trị nguồn nhân lực, quản trị cơ sở vật chất và quản trị các bộ phận nghiệp vụ chuyên môn như: Lễ tân, buồng, ẩm thực;

- Mô tả được các quy trình nghiệp vụ cơ bản của khách sạn: nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ phòng, nghiệp vụ nhà hàng, pha chế thức uống và chế biến món ăn;

- Mô tả được các quy trình quản lý của các bộ phận lễ tân, phòng, nhà hàng, bếp;

- Liệt kê được các loại trang thiết bị, dụng cụ chủ yếu tại khách sạn và công dụng của chúng;

- Trình bày được tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ khách sạn và cách thức đánh giá chất lượng;

- Mô tả được quy trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra và đánh giá kết quả công việc tại các bộ phận của khách sạn;

- Trình được các nguyên tắc bảo đảm an ninh, an toàn, giải thích được lý do phải tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn trong khách sạn để nhận diện được các nguy cơ và biện pháp phòng ngừa;

- Trình bày được những kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật, quốc phòng an ninh, giáo dục thể chất theo quy định.

3. Kỹ năng

- Giao tiếp tốt với khách hàng, phù hợp với yêu cầu phục vụ khách tại tất cả các vị trí của các bộ phận trong khách sạn như: bộ phận lễ tân, bộ phận buồng, nhà hàng hoặc bộ phận yến tiệc, hội nghị - hội thảo;

- Chăm sóc khách hàng và giải quyết phàn nàn của khách hàng có hiệu quả;

- Sử dụng đúng, an toàn các loại trang thiết bị khách sạn;

- Thực hiện đúng quy trình phục vụ khách hàng tại các vị trí công việc của bộ phận lễ tân, buồng, nhà hàng hoặc khu vực hội nghị, hội thảo theo tiêu chuẩn của khách sạn;

- Thực hiện đúng quy trình quản lý tại các vị trí công việc của quản lý bộ phận lễ tân, buồng, nhà hàng theo tiêu chuẩn của khách sạn;

- Quản lý nhân sự, tài sản, công cụ và tài chính tại các bộ phận lễ tân, buồng, nhà hàng theo đúng tiêu chuẩn qui định của khách sạn;

- Thực hiện đánh giá năng lực và đào tạo nhân viên đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp;

- Chủ trì hoặc tham gia xây dựng được một số kế hoạch của các bộ phận như: kế hoạch marketing, kế hoạch nhân sự, kế hoạch mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo hoặc sự kiện;

- Lập được các loại báo cáo, soạn thảo được văn bản đối nội, hợp đồng thông dụng của khách sạn - nhà hàng;

- Ứng dụng được phần mềm quản trị khách sạn trong công việc hàng ngày;

- Phân tích, đánh giá được kết quả hoạt động kinh doanh của các bộ phận lưu trú, ăn uống, hội nghị, hội thảo và phát hiện ra được các nguyên nhân và đề xuất được các giải pháp nhằm nâng cao kết quả hiệu quả kinh doanh;

- Sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định; khai thác, xử lý, ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc chuyên môn của ngành, nghề;

- Sử dụng được ngoại ngữ cơ bản, đạt bậc 2/6 trong Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam, ứng dụng được ngoại ngữ vào công việc chuyên môn của ngành, nghề.

4. Mức độ tự chủ và trách nhiệm

- Có ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc;

- Tôn trọng các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp;

- Thân thiện, cởi mở, sẵn sàng phục vụ và bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng khách du lịch;

- Có tinh thần hợp tác làm việc nhóm; thiện chí trong tiếp nhận ý kiến và giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công việc;

- Có ý thức tự học, tự bồi dưỡng, trau dồi kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thích ứng với sự phát triển của thực tiễn trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ du lịch;

- Rèn luyện khả năng chịu áp lực cao trong công việc, khả năng thích ứng, linh hoạt trong xử lý tình huống, khả năng làm việc độc lập và làm việc theo nhóm;

- Có ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng, bảo quản tài sản trong quá trình tác nghiệp.

5. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp

Sau khi tốt nghiệp người học có năng lực đáp ứng các yêu cầu tại các vị trí việc làm của ngành, nghề bao gồm:

- Lễ tân;

- Buồng;

- Nhà hàng;

- Kinh doanh - tiếp thị;

- Phụ bar;

- Phụ bếp;

- An ninh;

- Quản lý lễ tân;

- Quản lý buồng;

- Quản lý nhà hàng;

6. Khả năng học tập, nâng cao trình độ

- Khối lượng khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp ngành, nghề Quản trị khách sạn trình độ cao đẳng có thể tiếp tục phát triển ở các trình độ cao hơn;

- Người học sau tốt nghiệp có năng lực tự học, tự cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ trong phạm vi ngành, nghề để nâng cao trình độ hoặc học liên thông lên trình độ cao hơn trong cùng ngành nghề hoặc trong nhóm ngành nghề hoặc trong cùng lĩnh vực đào tạo.

 

 

Ngày đăng: 12/11/2021
Thông tin liên quan
Cao đẳng Công nghệ kỹ thuật Môi trường
Cao đẳng Công nghệ kỹ thuật Kiến trúc
Cao đẳng Quản lý xây dựng
Cao đẳng Công nghệ kỹ thuật Trắc địa
Cao đẳng Tin học ứng dụng
Cao đẳng Kỹ thuật lắp đặt điện và Điều khiển trong công nghiệp
Cao đẳng Điện công nghiệp
Cao đẳng Công nghệ kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa
Cao đẳng Điện dân dụng
Cao đẳng Thiết kế nội thất
TRƯỜNG CAO ĐẲNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH ĐÔ THỊ - CDT0128
Địa chỉ: Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội
Điện thoại: Phòng Tổ chức - Hành chính (024).3652.0944 ; Phòng Đào tạo (024).3.8780401
Tư vấn tuyển sinh: (024).3.877.0034
Fax: (024).3.827.1305
Copyright 2016 © cuwc.edu.vn